Phiên dịch ngoại giao – chiến sĩ trên mặt trận ngôn ngữ

22/07/2021, 01:48

Phiên dịch viên đã là một nghề không dễ dàng, làm phiên dịch ngoại giao cho các nguyên thủ quốc gia còn càng đòi hỏi nhiều hơn và thách thức lớn hơn.

Phiên dịch viên ngoại giao thách thức tạo cơ hội

Căng thẳng và sức ép – 2 từ đúng nhất để diễn tả thách thức lớn nhất của các phiên dịch ngoại giao, những người làm công việc đặc biệt là dịch cho các nguyên thủ phải đối mặt và vượt qua. Nguoiphiendich lấy một trường hợp cho bạn nghe nhé! Bạn sẽ cùng nguyên thủ đó lên một chiếc xe limousine 3 khoang và dịch luôn trong tư thế ngồi ngược. Xe luồn lách trên đường phố kín đặc các phương tiện, nôn nao, choáng váng, tự hỏi sẽ trụ được bao nhiêu phút. Về đến khách sạn, bạn chỉ kịp chỉnh lại quần áo và lại tiếp tục lên xe, tiếp tục nôn nao, nhộn nhạo để đi dịch cuộc quan trọng nhất là hội đàm giữa hai nguyên thủ. Đến nơi, đầu vẫn quay quay, bạn được bố trí ngồi sau, không bàn, không micro, căn phòng đẹp đẽ và rộng mênh mông, bạn vừa căng tai nghe, vừa nói to hết cỡ, xong cuộc dịch, bạn kiệt sức hoàn toàn.

Thách thức là vậy nhưng nếu bạn là một phiên dịch ngoại giao sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho bạn. Là phiên dịch viên, bạn sẽ được đi nhiều nơi trên thế giới và làm việc trong môi trường hấp dẫn với những người thành đạt và nổi tiếng. Nếu là một người phiên dịch ngoại giao, bạn còn được gặp gỡ những nhân vật hàng đầu của chính phủ hay tổ chức quốc tế. Hơn nữa, hiện nay nhu cầu tuyển dụng phiên dịch viên ngoại giao chuyên nghiệp cho các sự kiện mang tầm quốc gia luôn nóng bỏng từng ngày với mức lương đáng mong đợi.

Phiên dịch ngoại giao – “chiến đấu” bằng cả trình độ và kỹ năng

Bởi đặc thù phức tạp, phiên dịch ngoại giao không chỉ làm công việc chuyển ngữ mà phải nắm nội dung, nguyên tắc, chủ trương, những tinh tế, phức tạp của vấn đề, tình hình, thái độ, lập trường của ta và phía bên kia để đưa câu chuyện đi đúng hướng, nói đúng tông, thể hiện đúng không khí, sắc thái của câu chuyện, thần thái của người nói.

Quá trình phiên dịch sẽ diễn ra trong 2 khâu cơ bản nhưng vô cùng khó. Khâu thứ nhất là đọc đúng ý, luận đúng tinh thần, thái độ của người nói và khâu thứ hai là tái hiện đúng điều đó sang ngôn ngữ kia mà không có độ trễ về thời gian. Ví dụ cho bạn dễ hiểu, nếu tính mức độ “căng thẳng” của câu chuyện theo thang điểm 10, thì người phiên dịch sẽ phải “đo” và quyết định xem nó ở thang 6 hay thang 8 để từ đó diễn tả theo đúng thang ấy, nhưng cũng có lúc là 8, có lúc xuống đến 4. Chỉ có nhạy cảm, tố chất và kinh nghiệm mới giúp phiên dịch viên ngoại giao quyết định đúng trong khoảnh khắc ấy. Phải dự cảm trước được chiều hướng câu chuyện, các ý tiếp theo và khâu nối với các câu trước để lời dịch không phải là tập hợp những câu riêng lẻ mà là một dòng chảy nhuyễn của cả câu chuyện như đúng mạch kể của người nói.

Từ chuyên viên phiên dịch đến nhà ngoại giao tài ba

Những kiến thúc tích lũy được trong quá trình làm việc sẽ giúp các thông dịch viên trở thành chuyên gia ngoại giao thứ thiệt. Với tư cách là phiên dịch ngoại giao cho nguyên thủ quốc gia, không những bạn có vốn ngôn ngữ sâu rộng mà còn có tri thức uyên bác. Trước mỗi lần hội đàm, phiên dịch viên phải vùi đầu chuẩn bị, sau khi gặp gỡ xong lại phải kịp thời chỉnh lý nội dung mà hai bên trao đổi. Trong rất nhiều nghề, bạn phải sớm rẽ hướng để tìm đất sống mới. Nhưng với phiên dịch viên, càng nhiều kinh nghiệm bạn sẽ càng tiến xa, tiến cao trong nghề nghiệp. Với kinh nghiệm lâu năm và kiến thức uyên bác, các phiên dịch viên sẽ được mọi người kính nể và tin tưởng hơn trong công việc, để từ một phiên dịch viên trở thành một nhà ngoại giao tài ba!

Ý kiến bạn đọc