Tiêu chí dành cho phiên dịch viên xuất sắc

15/07/2021, 10:04

Sự thực là, không phải ai giỏi ngoại ngữ đều có đủ phẩm chất để trở thành một phiên dịch viên chuyên nghiệp. Trải qua nhiều năm trong ngành dịch thuật, Người Phiên Dịch nhận thấy cần phải có những kỹ năng nhất định để bước chân vào nghề.

Khả năng ghi nhớ

Một cách tổng quát nhất, có hai loại hình chính được phân biệt trong nghề phiên dịch chuyên nghiệp: dịch nối tiếp và dịch song song (dịch đồng thời hoặc dịch cabin). Ở hình thức đầu tiên, sau khi diễn giả nói một câu, một đoạn hoặc một ý nào đó sẽ dừng lại, và người phiên dịch sẽ chuyển những ý vừa rồi sang ngôn ngữ đích. Còn ở cách dịch song song, diễn giả và phiên dịch trình bày (hầu như) cùng một lúc. Tuy rằng có sự khác biệt đáng kể trong cách dịch, nhưng ở cả hai loại hình trên, khả năng ghi nhớ của người phiên dịch luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, vì nó giúp một phiên dịch viên giỏi truyền đạt được trọn vẹn ý của diễn giả. Nói như thế để thấy, sự tác động của khả năng ghi nhớ trong phiên dịch đối với chất lượng làm việc là rất lớn, bất kể hình thức dịch nào và người dịch là ai.

Cách rèn luyện: Theo kinh nghiệm phiên dịch của chúng tôi, không phải bất kỳ một người nào thành thạo ngoại ngữ cũng có khả năng: “nghe giỏi, nhớ tài”. Muốn ghi nhớ được, người học cần phải rèn luyện, thực hành nhiều. Cụ thể, các bạn có thể nghe những bản tin, radio,.. và tự trình bày lại, cả bằng dạng nói và viết. Đây là bước thực hành nghe có vẻ đơn giản nhưng khi thật sự bước vào nghề phiên dịch, các bạn sẽ hiểu hết những cái tuyệt diệu trong việc rèn luyện kĩ năng nghe hiểu, ghi nhớ và tái tạo từ các bài tập tưởng chừng đơn giản đó.

Không dừng lại ở việc: “Nói để nghe”, một phiên dịch viên giỏi phải: “Nói để truyền đạt”

Điều này đòi hỏi bạn phải có giọng nói tốt và phát âm “tròn vành rõ chữ”, cả trong bản ngữ lẫn ngoại ngữ. Vì sao? Vì đối khi làm nghề phiên dịch, đối tượng nghe bạn nói không phải chỉ là một mà là nhiều người. Bạn phải nói làm sao để tất cả mọi người, với những suy nghĩ, nhận thức và cách tiếp cận khác nhau, đều có thể cảm nhận hay, ít nhất là hiểu được những gì mà mình vừa phiên dịch. Kinh nghiệm phiên dịch cho thấy, một câu nói lộn xộn, hoặc sắc thái từ ngữ vô cảm sẽ làm không khí những hội nghị vốn đã khô khan sẽ trở nên rất chán ngắt, buồn tẻ và nặng nề đối với người nghe.

Cách rèn luyện: Việc nói không ngọng, có độ vang thì các bạn có thể tự luyện tập từ nhỏ. Tuy nhiên, để phát âm chuẩn ngoại ngữ, bạn cần phải rèn luyện từng âm từng từ một cách chuẩn xác, biết nhấn trọng âm và đặc biệt rèn luyện ngữ điệu biểu cảm. Bên cạnh đó, bạn phải hiểu rằng một phiên dịch viên giỏi tuyệt đối không bao giờ chèn thêm cảm xúc cá nhân, mà buộc phải thể hiện trung thành tinh thần, thái độ của diễn giả.

“Kiến thức chuyên môn” – trợ thủ đắc lực của nghề phiên dịch

Một phiên dịch chuyên nghiệp cần rất nhiều kiến thức, như: ngôn ngữ, văn hoá, kiến thức tổng quát và kiến thức chuyên môn. Khi đã vững những kiến thức này, bạn mới có đủ vốn từ vựng phong phú cũng như hiểu biết thấu đáo những vấn đề được đề cập đến. Những kiến thức đó có thể liên quan đến tri thức văn hoá, về đất nước, con người, lối sống, thói quen, phong tục tập quán của hai cộng đồng ngôn ngữ. Đặc biệt hơn, trong mỗi một lĩnh vực chuyên ngành lại có những thuật ngữ, cách diễn đạt riêng mà một người hành nghề phiên dịch chuyên nghiệp, dù không giỏi như một chuyên gia, nhưng buộc phải nắm được cái nội hàm.

Cách rèn luyện: Bạn phải trang bị cho mình những hiểu biết về tiếng Việt và lịch sử, văn hoá Việt Nam cũng như những vấn đề tương tự của nước ngoài nơi đang dùng ngoại ngữ mà bạn học. Và nếu có thể, hãy bổ sung thêm thật nhiều kiến thức chuyên ngành, ít nhất là những kiến thức cơ sở, cơ bản nhất.

Kinh nghiệm phiên dịch nằm ở sự nhanh nhạy

Gắn liền và tiếp nối với các tiêu chí đã nêu, “mẹo” của các phiên dịch viên thành công nằm ở khả năng nhạy bén, nhanh chóng nắm bắt nội dung ý tưởng. Rồi từ đó ngay lập tức ghi nhớ những từ ngữ, thuật ngữ đặc biệt mà diễn giả đã sử dụng.

Mặt khác, chuyên viên phiên dịch phải là một cầu nối về văn hoá giữa những người nói những ngôn ngữ khác nhau. Vậy nên “nhạy cảm về văn hoá” cũng là một kiểu nhanh nhạy giúp công việc được hoàn thành một cách chuyên nghiệp. Kỹ năng này còn giúp cho một phiên dịch viên nhanh chóng phát hiện và sửa đổi, khắc phục các phần lỗi trong quá trình chuyển ngữ của mình, điều mà không một ai chưa từng mắc phải. Chuyên viên phiên dịch xuất sắc có thể nhạy bén, linh hoạt bổ sung các ý còn thiếu, chỉnh lại các ý chưa đúng trong những câu dịch tiếp theo, hạn chế tối đa sự hiểu lầm, sai lệch thông tin diễn giả truyền đạt.

“Nhánh” khác trong kỹ năng này nằm ở việc nhanh nhạy trong ghi chép, hay còn được gọi là khả năng “tốc ký”. Vì không phải ai cũng có một trí nhớ siêu phàm, trong khi lượng thông tin cần tiếp thu và truyền đạt của một phiên dịch viên chuyên nghiệp là rất lớn trong thời gian ngắn, nên việc ghi chép chính xác và thật nhanh những thông tin nghe được sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc chuyển ngữ những nội dung đó.

Cách rèn luyện: cần rèn kĩ năng này từ lúc còn đi học, bằng cách nhận nhiều việc làm thêm để tích lũy kinh nghiệm cũng như có nhiều trải nghiệm.

“Đạo đức nghề nghiệp” – giá trị cốt lõi của nghề phiên dịch

Cũng như bất kỳ một nghề nào khác trên thế giới, nghề phiên dịch cũng có những chuẩn đạo đức hay quy tắc ứng xử riêng.

Thứ nhất là sự trung thành của người phiên dịch đối với ngôn ngữ gốc, thứ hai là cần bám sát ý tưởng, thái độ của người nói, không thiên vị hoặc thêm thắt thái độ của cá nhân của mình. Kinh nghiệm phiên dịch cho chúng tôi thấy, có những trường hợp phiên dịch viên “quên” mất vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình, để cảm xúc chen ngang và không thật sự trung thành lời nói ban đầu của diễn giả. Những lúc đó, cần “nén mình” lại để thực hiện đúng chức trách của phiên dịch.

Ngoài ra, kỹ năng “không thiên vị” cũng rất quan trọng, đặc biệt là trong những phiên toà. Tại Vương quốc Anh, những người hành nghề phiên dịch chuyên nghiệp luôn luôn phải kí cam kết sẽ không được phép bênh vực cho bị can hoặc bị cáo dưới bất cứ lý do gì.

Người Phiên Dịch chia sẽ những thông tin này với hy vọng sẽ tiếp thêm niềm say mê và sự tự tin cho những bạn yêu thích, quan tâm đến lĩnh vực phiên dịch.

Ý kiến bạn đọc