Trong thời đại hội nhập hiện nay, phiên dịch viên đóng một vai trò hết sức quan trọng trong thời kì giao thương phát triển mạnh mẽ.
Phải có đủ đam mê theo đuổi thì bạn mới có thể đi hết hành trình gian nan này để trở thành một phiên dịch viên lão làng điêu luyện như bạn mơ mộng. Hãy cùng Người Phiên Dịch nhắc lại những nỗi khổ, rủi ro của phiên dịch viên mắc phải trong hành trình sự nghiệp của mình nhé!
Trước tiên, chính là bản thân bạn vì bạn không thể tự do nói lên suy nghĩ của mình vì xét đến cùng, bạn cũng chỉ là cầu nối mà thôi. Cầu nối vốn dĩ chỉ là nhằm giúp hai bên phía đầu cầu thông hiểu lẫn nhau bằng cách dịch lại cho chính xác phần nội dung mà thôi. Khi cả hai phía đã đạt được mục đích thì nhiệm vụ của bạn cũng coi như là đã hoàn thành.
Là một phiên dịch viên, bạn phải chấp nhận là “người chịu trận” vì bạn đang đứng ở ranh giới giữa hai chiến tuyến. Có thể ví thông dịch viên là sứ giả, đang cố gắng mang lại hòa bình cho hai phe đối nghịch nhau. Thành công chắc hẳn sẽ là điều khiến bạn rất tự hào và hạnh phúc, nhưng nên nhớ để có được điều đó, bạn đã phải không ít lần đánh đổi niềm vui của mình bằng những giọt nước mắt, những uất ức vì bạn chính là người hứng chịu những viên đạn lạc từ phía đối phương mà bạn đang cố hòa giải.
Là một phiên dịch viên, nếu may mắn thành công, truyền đạt đúng ý nghĩa của lời nói, nhiều người sẽ trầm trồ, khen bạn là giỏi, là xuất sắc, nhưng bạn đừng nên vì thế mà vội mừng vì chưa chắc những người đã từng khen ngợi bạn sẽ không bao giờ quay lưng lại với bạn. Nhiều thành công cũng sẽ dễ dàng bị phủ nhận bởi chỉ một sai lầm bất cẩn không đáng có của bạn, để rồi sau này niềm tin vào khả năng của bạn cũng sẽ vì thế mà giảm hoặc thậm chí mất đi từ phía những con người mà trước đây đã từng trầm trồ khen bạn.
Thừa nhận một điều là công việc thông dịch có thể giúp bạn kiếm được nhiều tiền nhưng thử nghĩ kỹ xem, để có được những đồng tiền đó, đầu óc bạn có thật sự thoải mái không, khi lúc nào cũng phải cẩn trọng trong từng suy nghĩ, từng câu chữ, từng lời nói vì một khi phạm phải sai lầm trong thông dịch, hậu quả của nó sẽ to lớn vô cùng.
Là một phiên dịch viên, bạn không sợ nỗi lo bất đồng ngôn ngữ; tuy nhiên, chưa chắc những gì bạn đang cố gắng truyền đạt lại sẽ được người khác tin tưởng tuyệt đối. Vì một khi người ta đã không thiện cảm hay luôn dè chừng với đối phương của họ thì những gì thông dịch viên trình bày lại nếu có một chút gì lạ tai, chắc chắn sẽ bị cho là trình độ ngôn ngữ quá yếu kém, không truyền tải đúng ý bên kia, dù cho những điều đó có chính xác một trăm phần trăm đi chăng nữa. Phiên dịch viên chính là nơi trút giận cho cả hai bên.
Là một phiên dịch viên, có thể nói là so với phe đang chờ lắng nghe lời truyền đạt lại từ bạn thì bạn chính là người may mắn hơn cả vì bạn được nghe đầy đủ lời nói cùng với tất cả các cảm xúc kèm theo, có thể nói là “nguyên chất” nhất từ phía phe kia. Nếu đó là những lời bùi tai, mát lòng mát dạ thì bạn có thể lấy đó làm niềm kiêu hãnh. Nhưng nếu chẳng may là những lời nói khó nghe, những lời chỉ trích dành cho phe kia thì hiển nhiên thông dịch viên cũng chính là người hứng trọn các cao độ cảm xúc nêu trên, vì có thể chắc chắn một điều là dù cho phe kia có thể đoán được cảm xúc của đối phương đi chăng nữa thì họ cũng sẽ không tài nào cảm nhận được hoàn toàn cảm xúc kia. Chính bạn là người phải lắng nghe kỹ những lời khó nghe ấy để mà chọn lọc lại cho người cần nghe, hay nói cách khác bạn chính là kẻ chịu trận cho khổ chủ của bạn.
Chỉ khi bạn dấn thân vào nghề rồi mới hiểu được những điều “ngang trái”, những nỗi khổ của người phiên dịch. Dù là nghề phiên dịch hay nghề nào khác nữa, dù bạn chọn nghề hay nghề “hữu duyên” cùng bạn, hãy sống bằng tất cả đam mê và nỗ lực thật nhiều để khiến công việc trở thành nguồn động lực, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.