Bật mí cách ngưng dịch trong đầu

15/07/2021, 07:30

Việc hiểu được một ngôn ngữ mới quả là thú vị, bạn sẽ thử mọi cách để có thể “giải mã” thứ ngôn ngữ mới mẻ này.

Dịch thẳng sang tiếng mẹ đẻ là một trong những cách được chúng ta nghĩ đến đầu tiên. Tạo ra sự thay thế trực tiếp chứ không hề suy xét đến bối cảnh sử dụng và hàm ý sâu xa của từ vựng đó. Dù bạn có thể chưa nhận ra, nhưng việc dựa dẫm vào quá trình phiên dịch này sẽ làm chậm bước tiến bộ của bạn đấy.

Tại sao phải ngưng dịch trong đầu?

Dịch thuật chính xác là sự truyền tải một cảm nhận hoặc một khái niệm từ ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác. Với bản chất này, dịch thuật rất hữu dụng. Nhờ dịch thuật mà những tuyệt tác như các tác phẩm văn học cổ điển có thể được phổ biến cho đông đảo người đọc thuộc mọi ngôn ngữ. Nhưng rất tiếc, ở giai đoạn mới bắt đầu học ngôn ngữ, việc bạn phiên dịch qua lại giữa tiếng mẹ đẻ và ngôn ngữ đó lại không phải là dịch thuật chân chính.

Thật nhàm chán nếu như bạn đọc một đoạn văn bản tiếng Trung, bạn phải dừng lại, chuyển toàn bộ đoạn đó sang tiếng Việt, hiểu nghĩa rồi mới tiếp tục đọc tới đoạn sau. Việc dịch qua lại liên tục giữa hai ngôn ngữ này lúc này là quá cồng kềnh, phiền phức. Quá trình này còn phá hỏng bất kì trải nghiệm thưởng thức văn hóa (nghe, xem, đọc) hay giao tiếp xã hội nào mà bạn đang có nữa.

Sau đây là 3 cách giúp bạn ngưng thói quen dịch trong đầu nha!

1. Kết hợp liên tưởng

Cách thứ nhất là kết hợp hình ảnh. Khi mới học tiếng Trung bạn sẽ có xu hướng tìm kiếm từ tiếng Việt thay thế cho từ tiếng Trung đó. Vậy thì thay vì việc tìm một từ, bạn hãy gán một hình ảnh hoặc một cảm nhận với chính từ vựng đó thử xem. Cách này hiệu quả hơn nhiều so với việc dịch nghĩa đơn thuần đấy.

2. Sử dụng giấy nhớ hỗ trợ

Đây là cách rất cổ điển, đính giấy nhớ ghi tên tiếng Trung lên những vật dụng thân thuộc xung quanh bạn. Hoặc ít nhất là lên những vật bạn muốn nhớ tên tiếng Trung của chúng. Sau này bạn có thể nâng cấp những ghi nhớ bằng việc thêm vào cả tính từ, số từ, cụm giới từ hoặc viết cả một câu với từ vựng đơn lẻ lúc đầu. Ví dụ như “我明天中午11点前去见她.” hay “公园里有只小花猫”…

3. Tự diễn thuyết liên tục

Khi bắt đầu, bạn có thể chỉ tường thuật với chính mình đơn thuần những hành động trong ngày. Sau đó bạn có thể thêm vào những câu miêu tả chi tiết hơn: những gì bạn trông thấy, những gì bạn nghe được, những cảm nhận của bạn… Làm như vậy một thời gian, khi phải tham gia một cuộc đối thoại tiếng Trung, bạn sẽ thấy tự nhiên câu từ cứ thế tuôn ra mà không phải mất công nghĩ xem nghĩa tiếng Việt của chúng là gì.

Trên đây là một vài phương pháp, từ ghi nhớ hình ảnh, sử dụng giấy nhớ hỗ trợ cho tới phương pháp trần thuật và “tắm” ngôn ngữ mà các bạn có thể áp dụng. Nhưng hãy nhớ rằng quá trình học ngôn ngữ khác là một quá trình lâu dài và cần sự kiên trì. Giải pháp cuối cùng mà chính là… tự vấn đề sẽ có cách giải quyết nó. Chỉ cần bạn chăm chỉ luyện tập bạn sẽ không còn tự dịch thầm trong đầu nữa đâu. Chắc chắn đấy!

Ý kiến bạn đọc